Dưới thời Mộ Dung Bảo và Mộ Dung Thịnh Mộ_Dung_Hi

Sau khi Mộ Dung Thùy qua đời vào năm 396 và thái tử Mộ Dung Bảo lên kế vị, Hậu Yên đã phải hứng chịu cuộc tấn công của vua Thác Bạt Khuê của nước Bắc Ngụy, và kinh thành Trung Sơn (中山, nay thuộc Bảo Định, Hà Bắc) đã bị quân Bắc Ngụy bao vây. Năm 397, Mộ Dung Bảo quyết định bỏ Trung Sơn và dời đô về cố đô của Tiền Yên là Long Thành (龍城, nay thuộc Cẩm Châu, Liêu Ninh), và ban đầu, Mộ Dung Hi cùng các anh em là Bột Hải vương Mộ Dung Lãng (慕容朗) và Bác Lăng vương Mộ Dung Giám (慕容鑒) do tuổi còn nhỏ nên đã không thể đuổi kịp nhóm của Mộ Dung Bảo, Cao Dương vương Mộ Dung Long phải quay trở lại để tìm họ, song họ cuối cùng đã đuổi kịp Mộ Dung Bảo và tiến về Long Thành.

Năm 398, quân của Mộ Dung Bảo đã kiệt sức với chiến tranh nên khi Mộ Dung Bảo tiến quân về phía nam để đánh Bắc Ngụy, họ đã nổi loạn dưới sự chỉ huy của Đoàn Tốc Cốt (段速骨), họ Đoàn đưa con trai của Mộ Dung Long là Mộ Dung Sùng (慕容崇) lên làm lãnh đạo trên danh nghĩa. Trong cuộc nổi loạn, nhiều thân vương đã bị giết chết, song nhờ Mộ Dung Hi và Mộ Dung Sùng là bạn bè nên Mộ Dung Sùng đã sử dụng ảnh hưởng của mình để quân nổi loạn tha cho Mộ Dung Hi. Sau khi Đoàn Tốc Cốt bị Lan Hãn giết chết, Lan Hãn đặt bẫy Mộ Dung Bảo và nắm lấy quyền lực, Lan Hãn không giết chết mà lập Mộ Dung Hi làm Liêu Đông công để thờ phụng tổ tiên dòng họ Mộ Dung. Khi con trai của Mộ Dung Bảo là Mộ Dung Thịnh giết chết Lan Hãn trong một cuộc chính biến vào cuối năm 398 và phục hồi nước Hậu Yên, ông ta ban đầu vẫn chỉ xưng vương, do vậy các vương gia cũng chỉ được mang tước công. Theo đúng quy định, tước hiệu Mộ Dung Hi trở thành Hà Gian công. Mộ Dung Thịnh cũng phong cho ông làm một tướng quân chính yếu. Năm 400, khi Mộ Dung Thịnh tấn công Cao Câu Ly, Mộ Dung Hi trở thành tướng tiên phong, và đóng góp rất lớn cho chiến thắng của Hậu Yên. Lúc đó, Mộ Dung Thịnh nhận xét:

Thúc phụ, lòng dũng cảm của người sánh được với Thế Tổ (miếu hiệu của Mộ Dung Thùy), song các kế sách của người thì không phải ai cũng nghĩ ra được.

Song một kẻ mưu mẹo và tàn nhẫn như Mộ Dung Thịnh cũng không biết rằng, ông chú của mình đã lăm le ngồi lên ngai vàng từ lâu. Và người đứng sau giúp đỡ Mộ Dung Hi không phải ai khác chính là người mẹ của Mộ Dung Thịnh – Đinh Thái hậu.

Trong lúc những tông thất họ Mộ Dung còn đang mải mê chém giết tranh giành ngai báu thì vị vương tử đa tình Mộ Dung Hi bắt đầu để ý người chị dâu đang phải sống cô đơn lạnh lẽo trong chốn thâm cung. Năm ấy, Mộ Dung Hi tuổi mới 20, lại khôi ngô tuấn tú xuất chúng, nổi tiếng khắp Hậu Yên. Trong khi đó, Mộ Dung Bảo chinh chiến liên miên bên ngoài rồi qua đời, tuổi còn xuân sắc, Đinh Hoàng hậu đã phải lên chức Thái hậu, một mình lạnh lẽo trong cả cấm cung rộng lớn không một bóng đàn ông. Vì vậy chuyện hai người đến với nhau cũng chẳng có gì là lạ. Khi Mộ Dung Thịnh bị ám sát trong một cuộc chính biến vào năm 401, hầu hết các triều thần muốn người kế vị phải nhiều tuổi hơn thái tử Mộ Dung Định (慕容定), và hầu hết tiến cử em trai của Mộ Dung Thịnh là Mộ Dung Nguyên (慕容元). Tuy nhiên, Đinh Thái hậu vì có quan hệ với Mộ Dung Hi nên lại nói rõ rằng bà muốn Mộ Dung Hi kế vị con trai mình. Các triều thần bị ép phải theo ý muốn của bà, và khi Mộ Dung Hi chính thức trao ngôi vị cho Mộ Dung Nguyên, Mộ Dung Nguyên đã không dám chấp thuận, và do vậy Mộ Dung Hi đã lên ngôi. Ông sử dụng tước hiệu "Thiên vương". Thế là bằng vẻ ngoài tuấn tú và mối tình với bà hoàng cô độc, Mộ Dung Hi đã leo lên được ngai vàng một cách dễ dàng. Nhưng Mộ Dung Hi chẳng vì thế mà chung tình với Đinh Thái hậu.

Liên quan